
Chỉ chưa đầy 4 tháng kể từ khi nhận chức, CEO TikTok toàn cầu Kevin Mayer đã thông báo từ chức. Sự kiện này đã dần lộ rõ những rắc rối mà Tiktok đang phải đối mặt đến từ phía Nhà Trắng.
Tóm tắt bài viết.
Hé lộ “bức màn” đằng sau sự kiện từ chức của CEO Kevin Mayer
Ứng dụng Tiktok vốn thuộc quyền sở của công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang khiến Mỹ liên tục nhắm vào Tiktok, với lý do rằng Tiktok đang đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhà Trắng đã gây sức ép để công ty ByteDance phải bán lại Tiktok vào tháng 9 bởi sắc lệnh đe dọa được tổng thống Donald Trump ký hồi 6/8.
Áp lực đến từ chính quyền Nhà Trắng đã khiến vị CEO người Mỹ nhanh chóng rời bỏ công ty. Trong một email gửi cho nhân viên của mình, Kevin Mayer đã chia sẻ: “Vài tuần trở lại đây, khi môi trường chính trị thay đổi mạnh mẽ, tôi đã phản ánh rất nhiều lần về những thay đổi cấu trúc doanh nghiệp sẽ đòi hỏi những gì, và ý nghĩa của nó đối với vai trò CEO Tiktok toàn cầu mà tôi đang làm. Thế nhưng, tất cả diễn ra đã trái ngược lại những gì chúng ta đã kỳ vọng về một giải pháp hợp lý hơn đến từ phía Nhà Trắng. Lực bất tòng tâm, tôi đành phải thông báo với các bạn rằng tôi đã quyết định rời khỏi công ty.”
Được biết trước đó, Kevin Mayer từng giữ vị trí đứng đầu bộ phận kinh doanh trực tuyến của Disney – tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất nước Mỹ. Để Mayer rời Disney – nơi ông đã gắn bó hơn 20 năm và đến với công ty khởi nghiệp TikTok của Trung Quốc, người sáng lập kiêm CEO của ByteDance Trương Nhất Minh phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.
Sự ra đi của ông nhấn mạnh những khó khăn mà TikTok đang phải đối mặt vì nó đã trở thành một cột mốc địa chính trị trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ – Trung ngày càng gay gắt.
TikTok đau đầu tìm đường lột xác
Sau khi Kevin Mayer từ chức, chức vụ CEO tạm thời sẽ do Vanessa Pappas, Tổng giám đốc Tiktok Bắc Mỹ đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, các động thái của Nhà Trắng đã thúc đẩy ByteDance và TikTok tìm kiếm người mua cho mảng kinh doanh tại Mỹ. Một số công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Microsoft và nhà sản xuất phần mềm doanh nghiệp Oracle, cùng với các nhà thầu khác đã thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng với mức giá từ 20 tỷ đến 50 tỷ USD. Tuy nhiên, sau nhiều buổi gặp mặt, vẫn không có thỏa thuận nào đạt được.
CEO ByteDance Trương Nhất Minh nói thêm rằng, ByteDance và TikTok đang nhanh chóng giải quyết các vấn đề của nó ở Hoa Kỳ và Ấn Độ – nơi ứng dụng đã bị cấm vào hồi tháng Sáu. Ông cũng bày tỏ sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp có lợi cho người dùng, đối tác và nhân viên của mình.
Việc thuê ông Mayer từng là một phần trong nỗ lực của TikTok nhằm thu hút thêm nhiều giám đốc điều hành người Mỹ khi sự giám sát của chính quyền Washington đối với ứng dụng này ngày càng tăng. TikTok cũng thuê thêm nhân viên ở Los Angeles, New York và nhiều thành phố lớn khác ở Mỹ. Thậm chí, công ty còn lên kế hoạch thuê thêm hơn 10.000 nhân viên mới ở nước Mỹ.
Thực tế, trong nhiều tháng qua, TikTok đã cố gắng làm hài lòng chính quyền Trump bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư để giảm bớt quyền sở hữu của Trung Quốc và tìm cách lưu trữ dữ liệu về người dùng từ nước Mỹ tại chính quốc gia của họ. TikTok cho biết công ty hiện đang lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ ở Virginia và Singapore.
Trong thư gửi cho nhân viên của mình, Kavin Mayer nói rằng ông vẫn tin chắc rằng tương lai phía trước của TikTok vẫn vô cùng tươi sáng, vì việc đối mặt với thách thức là điều bất kỳ công ty nào cũng phải trải qua.
Khoan đánh giá nhận định của Kavin Mayer là đúng hay là sai. Nhưng hiện tại ByteDance đã ra thông báo cho giới quan chức Mỹ rằng sẽ không chuyển giao thuật toán của ứng dụng TikTok trong bất kỳ thỏa thuận nào. Tương lai gần, những động thái tiếp theo của chính quyền Trump chắc chắn sẽ khiến TikTok đau đầu hơn để tìm kiếm con đường hợp lý cho mình.
Nguồn New York Times