
Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok không chỉ thay đổi cách con người tương tác với nhau, mà còn thay đổi cách chúng ta sử dụng nội dung trực tuyến.
Với sự phát triển như vũ bão, truyền thông xã hội đã trở thành kênh chính để các marketers thu hút khách hàng tiềm năng. Với hơn 3,2 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới, không có gì ngạc nhiên khi các xu hướng social media mới liên tục xuất hiện mỗi ngày. Hãy theo dõi ngay 6 xu hướng social media trong năm 2021 dưới đây mà bạn không thể bỏ lỡ.
Tóm tắt bài viết.
1. Định dạng Video ngắn
Không có gì ngạc nhiên khi video là hình thức hấp dẫn nhất của nội dung trên mạng xã hội. Bằng chứng là sự ra đời của tính năng Reels của TikTok và Instagram sẽ khiến nội dung dạng video trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Trong năm qua, các tên tuổi đình đám như MAC Cosmetics và NBA đã bắt đầu sử dụng TikTok để làm marketing, giúp thương hiệu của họ tiếp cận với rất nhiều khách hàng tiềm năng. Louis Vuitton và Sephora cũng sử dụng tính năng Instagram Reels để quảng cáo cho dòng thời trang cao cấp của mình.
Ngày nay, khi mà khách hàng không đủ kiên nhẫn để đọc những nội dung quảng cáo dài ngoằng thì các nội dung video ngắn chắc chắn sẽ còn “chiếm ngôi” trong nhiều năm nữa.
Định dạng video ngắn ngày càng phổ biến
2. Thương mại trên mạng xã hội (Social commerce)
Với hơn 3 tỷ người hiện đang sử dụng mạng xã hội, thương mại trên mạng xã hội (Social commerce) – việc sử dụng phương tiện social media để thúc đẩy mua hàng thương mại điện tử – là xu hướng hiển nhiên cho mua sắm trực tuyến. Sự ra đời của Cửa hàng trên Facebook và Cửa hàng trên Instagram là một minh chứng rõ ràng nhất rằng thương mại xã hội sẽ là một tin tức lớn vào năm 2021.
Có đến 71% người tiêu dùng đã chuyển sang mạng xã hội để tìm kiếm mua sắm, và 55% người mua sắm trực tuyến thông qua các kênh truyền thông xã hội. Do đó, nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu bán sản phẩm của họ trên Cửa hàng Instagram, Cửa hàng trên Facebook, hay Danh mục Pinterest…
Nhiều thương hiệu lớn bắt đầu tận dụng Thương mại trên MXH
3. Thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality)
Thực tế ảo tăng cường (AR) là cụm từ mô tả trạng thái vật lý thực xung quanh chúng ta, tuy nhiên không gian đó đã được chèn thêm các chi tiết ảo hóa nhờ vào công nghệ smartphone, máy tính hay các thiết bị điện tử khác, nhằm nâng cao trải nghiệm cho người sử dụng. Trong cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay, không khó hiểu khi thực tế ảo tăng cường (AR) lại trở thành yếu tố chính của nhiều mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới như Facebook, Snapchat và Instagram.
Ngày nay, hiếm khi ta thấy một Story thu hút trên Instagram mà không bị thay đổi hoặc nâng cao với bộ lọc AR, hoặc công nghệ thay đổi khuôn mặt. Thậm chí, bộ lọc AR đã phổ biến đến mức Instagram cho phép bất kỳ ai tạo bộ lọc AR của riêng mình để người khác sử dụng để đăng Story của họ.
Thực tế ảo tăng cường ngày càng trở nên phổ biến
4. Marketing cá nhân hóa
Về cơ bản, marketing cá nhân là nghệ thuật sử dụng dữ liệu người tiêu dùng để điều chỉnh hoạt động marketing cho phù hợp với nhân khẩu học mục tiêu. Điểm mạnh của việc sử dụng mạng xã hội để marketing được cá nhân hóa là những nền tảng này cung cấp một lượng lớn thông tin và hiểu biết sâu sắc, để tận dụng thu hút khách hàng tốt hơn, thông qua các hoạt động như giới thiệu các ưu đãi, quảng cáo, đề xuất sản phẩm vốn đã được cá nhân hóa dựa trên nhân khẩu học, các giao dịch mua trước đó hoặc tùy chọn nội dung.
Ví dụ điển hình ban đầu về marketing cá nhân hóa có thể kể đến chiến dịch #shareacoke nổi tiếng năm 2015 của Coca Cola. Thương hiệu này đã thay thế biểu tượng thương hiệu của mình bằng tên khách hàng và khuyến khích họ chia sẻ ảnh trên mạng xã hội với thẻ bắt đầu bằng #. Chiến dịch này đã vô cùng thành công. Đến năm 2019, Spotify cũng phát hành chiến dịch marketing cá nhân hóa Spotify Wrapped thông qua việc tiết lộ xu hướng phát trực tuyến và sở thích âm nhạc của từng người dùng từ thập kỷ trước. Điều đó đã khiến hàng triệu người chia sẻ sở thích cá nhân này của họ trên phương tiện truyền thông xã hội.
Với lượng dữ liệu người dùng ngày càng tăng trên mạng xã hội, các hoạt động marketing cá nhân hóa đang được nhiều thương hiệu nắm bắt bằng cách tạo ra các chiến dịch nhắm tới các nhóm khách hàng cụ thể trên mạng xã hội.
Chiến dịch #shareacoke của Coca Cola thành công vang dội
5. Phát trực tiếp
Trong thời gian qua, video phát trực tiếp đã nhanh chóng trở thành hình thức nội dung hấp dẫn nhất trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2019, số lượng giờ xem video trực tiếp trên thế giới đã lên đến 1,1 tỷ giờ. Hiện nay, 1/5 video trên Facebook là phát trực tiếp và khoảng hơn 1 triệu người dùng trên Instagram đang xem video trực tiếp mỗi ngày. Do đó, các nền tảng xã hội khác cũng bắt đầu nhảy vào xu hướng video trực tiếp, như Twitter , YouTube và LinkedIn .
6. Marketing tự nhận thức
Marketing tự nhận thức là hình thức tập trung vào các quảng cáo châm biếm hoặc mỉa mai, chế nhạo chính họ, hay các thương hiệu khác, hoặc các ý tưởng quảng cáo nói chung. Trong khi những chiến dịch marketing truyền thống thì cố gắng che giấu sự thật rằng họ đang quảng bá sản phẩm để đạt được mục tiêu bán hàng, thì các chiến dịch marketing tự nhận thức lại cố gắng đặt “người bán” ở vị trí trung tâm.
Vào năm 2019, McDonald’s đã có một chiến dịch marketing tự nhận thức bằng cách quảng cáo Bộ sưu tập bánh mì kẹp thịt đặc trưng của họ. Theo đó, một loạt loại bánh mì kẹp thịt “sang trọng” cùng các sản phẩm “cao cấp” được phục vụ trên một chiếc đĩa bạc như một cách để bông đùa về mức giá thấp của thương hiệu thức ăn nhanh danh tiếng.
Năm 2020, rất nhiều thương hiệu đã làm quen với hình thức marketing này khi đưa ra các bài đăng trên mạng xã hội và chỉ ra những điều gây tranh cãi của sản phẩm và dịch vụ của chính họ. Đây là một cách làm mới và sẽ tiếp tục có tác dụng trong năm nay.
Và trên đây chính là 6 dự đoán xu hướng social media trong năm 2021. Đừng quên ghé thăm Blog thường xuyên để cập nhật những kiến thức mới về Digital Marketing nhé!
Nguồn: Envato.com
NGUYỄN HỒNG LY – Người Mê Digital Marketing