
Tóm tắt bài viết.
Sau khi Covid đi qua, không chỉ có doanh nghiệp hay những người lao động “trưởng thành” bị tổn thương, mà thế hệ Gen Z sẽ là những người chịu đựng và mang nhiều vết sẹo đầy đau thương từ đại dịch Covid-19 không kém.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng Thế hệ Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước. Ấy vậy mà giờ đây chúng ta đang chứng kiến một thế hệ thanh niên trên khắp cả nước phải bước vào tuổi trưởng thành trong cơn đại dịch chưa từng thấy ở nhiều thế hệ trước đó, nó còn kinh khủng với họ hơn bất kỳ trận chiến về khủng hoảng tài chính hay kinh tế toàn cầu nào khác. Điều này đồng nghĩa với một tương lai mất mát của một thế hệ triển vọng.
Chúng ta đang huyễn hoặc và cùng tô vẽ bức tranh về bước tiến nhảy vọt của kỹ thuật số (Digital) đã mở ra không ít cơ hội cho thanh niên Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Mà quên rằng rồi đây khi cơn đại dịch đi qua, thế hệ thanh niên sẽ là người chịu vô vàn những vết sẹo, những mất mát do suy thoái môi trường, do bất bình đẳng kinh tế, hay do sự gián đoạn của “xã hội”,…Cùng với đó là họ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về trình độ học vấn, triển vọng về kinh tế và sức khoẻ tinh thần,….
“Sự vỡ mộng của giới trẻ” sau đại dịch liệu có quá muộn?. Cho dù muộn hay không thì nó không chỉ dừng ở phía người trẻ, mà nó còn là câu chuyện của cả xã hội. Rồi đây nếu chúng ta chỉ nói đến doanh nghiệp quá nhiều và thế hệ này bị lãng quên, thì tôi e rằng thị trường lao động của nước ta trong vài năm tới sẽ có nhiều mối nguy. Những chiến thắng, những vinh quang sắp tới sẽ có thể bị “xoá sổ” nếu thế hệ hiện tại thiếu con đường thích hợp để tiếp cận các cơ hội giáo dục và việc làm phù hợp nhất. Nói cách khác thì “sự vỡ mộng của giới trẻ” đang là điểm mù lớn nhất của công cuộc chống dịch Covid – 19 hiện nay.
Theo tôi thế hệ Gen Z cần đánh giá các rủi ro cá nhân như suy giảm sức khoẻ, khủng hoảng sinh kế, thiếu hụt kiến thức là mối đe doạ trước mắt, còn rủi ro vĩ mô về kinh tế, chính trị là trung và dài hạn. Bởi sau cơn đại dịch qua đi, sự chênh lệch ngày càng tăng cao, sự thịnh vượng tài chính sẽ trở nên không đồng đều giữa các xã hội, các quốc gia và các thế hệ. Các quy định khắc khe sau đào thải sẽ không còn đủ chỗ đứng cho thế hệ trẻ “chiếm lấy”. Các giới hạn về gói cứu trợ tài chính hay chính sách “thắt lưng buộc bụng” sẽ cản trở người trẻ lên kế hoạch đầu tư vào bổ túc kiến thức và trình độ chuyên môn cá nhân. Do đó, sẽ có nhiều người trẻ phải sống “lay lắt” trong những công việc dịch vụ bấp bênh hơn xưa, và rồi cũng sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc lớn sau đó.
Tôi xin cụ thể hoá hai nguyên nhân quan trọng bên dưới:
1. Hệ thống giáo dục “mong manh”:
Không riêng Việt Nam, Covid đã mang đến những thách thức chưa từng có đối với hệ thống giáo dục toàn cầu. Trong làn sóng dịch Covid đợt đầu thì tất cả học sinh phải nghỉ học, nhưng rồi những đợt tiếp theo là sự thích ứng với việc giảng dạy từ xa qua các nền tảng trực tuyến. Mặc dù mục tiêu cuối cùng là đảm bảo kế hoạch đào tạo của chương trình giáo dục được hoàn thành đúng hạn, nhưng ngay lúc này đây sự “phân cấp” về kinh tế đã thể hiện rõ rệt. Điển hình như những em học sinh trong các gia đình có thu nhập cao thì chắc hẳn không có vấn đề gì, thậm chí các em còn được sắp xếp mục tiêu học tập hoặc cá nhân hoá các buổi học hơn với một trò một thầy. Ngược lại là số đông ở ngoài kia những thanh thiếu niên có gia cảnh thiếu thốn, chỉ mong ngày đủ ba bữa cơm, nhà không có nổi chiếc tivi đang phải mỗi ngày vật lộn để đủ điều kiện có cả thiết bị lẫn kết nối kỹ thuật số để tiếp nhận nguồn kiến thức “mong manh” từ xa.
“Đi học tại nhà” còn khiến cho gia tăng căng thẳng trong gia đình, tỷ lệ bạo lực gia đình và xâm hại tình dục cũng tăng cao.
2. Tình trạng “hỗn loạn” về việc làm:
Mặc dù có nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra trên toàn cầu và đã có sự phục hồi, nhưng cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ để lại vài sự ảnh hưởng của nó là mãi mãi. Bởi sự chuyển đổi cơ cấu từ các thị trường khác nhau sau khủng hoảng đã tạo nên những ảnh hưởng cung cầu lao động và đã thu hẹp cơ hội việc làm cho thanh niên. Điển hình là các trường hợp thiếu hụt cơ hội việc làm cho thanh niên có trình độ học vấn cao trong một số ngành và “khủng hoảng kỹ năng” ở những ngành khác. Hoặc các chính sách khắc khe về đối phó phòng chống bệnh Covid càng làm trầm trọng thêm tình trạng lao động trẻ bị gạt ra ngoài lề, từ đó tạo nên sự không cân đối trong thu nhập của thế hệ thanh niên, và cho dù ở nền kinh tế nào thì họ cũng là những người đầu tiên mất việc làm. Hoặc sự chuyển dịch cơ cấu ngành và thói quen tiêu dùng thay đổi rồi đây dự kiến sẽ có hàng loạt việc làm bị sa thải. Sau cùng là Covid đã thực sự cần sự trợ giúp đắc lực từ yếu tố tự động hoá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và đây thực sự trở thành thách thức cho thanh niên.
Các con số về ước tính tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong cơn đại dịch Covid trên toàn cầu thì đã có rất nhiều bài nghiên cứu đưa ra, nhưng những con số cụ thể về các cơ hội giáo dục bị gián đoạn và cơ hội mất việc làm đã khiến một thế hệ thanh niên càng ngày càng bị tụt lại phía sau như thế nào thì vẫn chưa có bài viết nào phân tích chi tiết. Vì thế đoạn cuối trong bài này thiếu vắng đi những con số, tôi chỉ tạm nêu ra vài vết sẹo tiềm ẩn mà Covid sẽ mang đến cho thế hệ trẻ:
-
Những “con đường” đầy mất mát:
Ai cũng hiểu thiếu hụt về kiến thức, ảnh hưởng đến kết quả học tập là chuyện đương nhiên. Nhưng rồi sẽ có hàng loạt bài báo viết về tỷ lệ bỏ học, về những kỹ năng cần thiết mà thế hệ Gen Z bị “bỏ lỡ” trong chương trình giáo dục từ xa. Thậm chí là những nghiên cứu liên quan đến sự gia tăng bất bình đẳng về giáo dục, kinh tế xã hội và giới tính sau đại dịch Covid.
Hậu quả từ sự thay đổi đột ngột của thị trường lao động sẽ khiến một thế hệ thanh niên “trở thành nạn nhân” trong các hợp đồng lao động “không ổn định”, từ đó dẫn đến một sự nghiệp không ổn định và triển vọng thăng tiến cũng bị hạn chế theo. Thậm chí điều này có thể dẫn đến rủi ro quan trọng cao hơn liên quan đến gánh nặng cho nhà nước trong các khoản vay dành cho sinh viên và gói trợ cấp thất nghiệp, từ đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tín dụng đen “tăng trưởng” trong tương lai.
Tôi đã từng hình dung ra rất nhiều cảnh tượng “kinh khủng” khác nhau về sự nghèo đói, nhưng tôi bị ám ảnh nhất là sự ảnh hưởng nghèo đói tác động lên con cái của họ – một thế hệ chịu nhiều mất mát sau cùng.
-
Cô đơn, nỗi sợ và lo lắng:
Đã có hàng ngàn bài báo và phóng sự viết về việc thế hệ trẻ chìm đắm trong không gian mạng, đã có một thời chúng ta tìm cách lôi kéo họ bước ra thế giới đời thực và kỹ năng. Thế nhưng, giờ đây Covid đã mang đến điều ngược lại, những mối quan tâm và tính chủ động của người trẻ lại quay trở về với thế giới mạng, nơi mà tất cả chúng ta đều tin tưởng rằng nó là nơi an toàn hơn tất thảy ngoài kia.
Khi Covid xảy đến, tôi nhận ra nếu tích cực mà nói thì để thế hệ trẻ trên thế giới thể hiện sự tức giận qua những cuộc biểu tình có khi lại ít nguy hại hơn để họ phải thể hiện sự tức giận, thất vọng và bi quan trong thế giới ảo hiện nay. Dù sao dẹp loạn một đám đông biểu tình vẫn dễ hơn nhưng hành vi chống đối giăng khắp nơi trên thế giới mạng.
Liệu mai này, khi Covid đi qua, các nước nền kinh tế phát triển có phải đón nhận thêm “bệnh dịch” mang tên cô đơn và lo lắng ở thanh thiếu niên? Mặc dù chưa biết trước được, nhưng để hồi phục các vết sẹo của thế hệ thanh niên thì các hệ thống chính trị và kinh tế sẽ cần phải đi tới giải quyết trực tiếp các nhu cầu của thanh niên và giảm thiểu nguy cơ một thế hệ mất mát, bằng con đường tái đầu tư, cải thiện các chương trình giáo dục đào tạo lại và nâng cao trình độ, đảm bảo các chương trình bảo trợ xã hội đầy đủ. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân phải cùng đầu tư vào việc đảm bảo tính kết nối cho tất cả thanh thiếu niên.
Với tính chất thay đổi nhanh chóng của thị trường việc làm, tôi nghĩ chúng ta cũng cần đầu tư nhiều hơn vào đào tạo nghề và đào tạo tại chỗ. Điểm mấu chốt là đầu tư vào công nghệ giáo dục phải đi kèm với sự thích ứng của cơ sở hạ tầng giáo dục thể chất. Đặc biệt, để thành công, các trường học phải duy trì vai trò quan trọng của mình trong việc cung cấp kiến thức và là nơi chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý, lẫn đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho nhóm thanh thiếu niên “mất mát”.
Cần lắm, những “bàn tay” giang rộng từ các cơ quan ban ngành về hướng mở ra những con đường cụ thể cho thế hệ Gen Z có được các công cụ, kỹ năng và quyền cần thiết trong một thế giới sau đại dịch.
NGUYỄN HỒNG LY – Người Mê Digital Marketing